Về nguồn "để tiến xa hơn"

Hồng HạnhCổng thông tin điện tử Bộ Công Thương
03:43' CH - Thứ hai, 12/03/2018

Trong không khí vẫn rất xuân, tháng ba gõ cửa. Mỗi người con PLX thêm rộn ràng, vui tươi hướng về Ngày Truyền thống. Và rồi, bàn tay nắm chặt bàn tay để trái tim hòa nhịp...

"Quý xăng như máu"

Tháng ba mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông hút nước...

Tháng ba mùa hoa vông đang nảy nở, cho con công múa, cho con cá bơi, bông không rụng xuống lòng suối nhỏ, tung lên trời vạn cánh sao rơi. Hoa lách bay để lại nụ cười... (Trích lời bài hát "Tháng ba Tây Nguyên" - Văn Thắng).

Tháng ba, mưa xuân vẫn bịn rịn, đất trời vẫn phảng phất hơi sương, cái nắng nhè nhẹ, chút gió nhè nhẹ, để con người cũng nhè nhẹ tìm đến nhau gửi chút tâm tình.

Tháng ba, bao cảm xúc lắng đọng, ngỡ người xưa và nay, người xa và gần chạm nhau ở một điểm - đó là truyền thống, là tình yêu, là gia đình.

Tháng ba, trên khắp mọi miền, những chuyến xe vẫn nườm nượp. Chữ P đi muôn phương, "đem nhịp sống cho đời". Ai cũng gắng mình thêm một chút, nhắc nhau nhiều hơn về một ngày đặc biệt.

Ngày ấy là 13/3 - ngày truyền thống của ngành xăng dầu Việt Nam. Nay, cũng vừa tròn 90 xuân.

Những ngày đầu tháng 3, người PLX khắp mọi nơi đều hướng về "cái nôi" của ngành xăng dầu - "địa chỉ đỏ" - Sở Dầu Thượng Lý (nay thuộc Tổng kho Xăng dầu Thượng Lý, Công ty Xăng dầu Khu vực III). Ai cũng háo hức được trở về. Đến đó, dù có người đã thuộc từng vị trí trong Phòng Truyền thống, vẫn cứ cầm trên tay cuốn sách lịch sử "Từ Sở dầu Thượng Lý đến Công ty Xăng dầu Khu vực III, những chặng đường lịch sử" hay "Tư liệu Ngày truyền thống công nhân Sở dầu"...; ngắm nhìn thật kỹ những kỷ vật của người xưa; chụp tấm hình tại nơi lưu giữ lời dặn của Bác "Quý xăng như máu"... và cùng đồng nghiệp nhắc lại chuyện xưa.

Một không khí trang nghiêm, tĩnh mịch nhưng mang sức nặng của truyền thống, của những tháng ngày vẻ vang, đầy tự hào.

Trong căn phòng nhỏ bé ấy, chiếc búa của Liệt sỹ Nguyễn Văn Mậu dùng đánh kẻng báo động trận đánh phá đầu tiên của giặc Mỹ ngày 29/6/21966 tại Kho Xăng dầu Thượng Lý; những chiếc nút gỗ được hai công nhân là Đỗ Khắc Xuôi và Nguyễn Văn Dần dũng cảm vít lại những lỗ thủng ở các bể dầu Kho 2 trong trận ngày 29/6/21966 để tránh bị tràn dầu, gây cháy nổ; những vỏ đạn của khẩu súng 12 ly 7 đã bắn rơi chiếc máy bay AD6 của giặc Mỹ đêm 19/12/1972; khẩu súng trường K44 được Liệt sỹ Mạc Văn Cầu dùng đánh trả máy bay Mỹ ngày 11/8/1967 tai Kho Dầu chùa Minh - An Hải - Hải Phòng; mũ sắt của tự vệ Công ty trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; bức tranh mô phỏng lần đầu tiên 422/500 công nhân Sở dầu Thượng Lý bãi công, chống chủ cúp phạt thợ vô lý, dành thắng lợi ngày 13/3/1928; bức tranh mô phỏng công nhân Sở dầu vừa tham gia sản xuất, vừa sẵn sàng chiến đấu...tất cả đã tái hiện một lịch sử sống động. Mỗi hiện vật chất chứa trong đó biết bao nghĩa tình!

Phó Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Petrolimex Hải Phòng Nguyễn Quế Thủy thông tin thêm, con trai của Liệt sỹ Mạc Văn Cầu hiện là Cửa hàng trưởng một CHXD của Công ty. Vậy là, truyền thống vẫn được tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo thành dòng chảy không ngừng.

Uống nước nhớ nguồn

Lịch sử hoạt động ngành xăng dầu Việt Nam gắn liền với phong trào công nhân xăng dầu, từ vùng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột mà khởi đầu là sự kiện Cuộc bãi công của công nhân Sở dầu Thượng Lý (Hải Phòng) ngày 13/3/1928.

Trải qua hơn 120 năm có mặt ở Việt Nam, từ một lực lượng công nhân xăng dầu nhỏ bé đầu tiên làm ở Sở dầu Thượng Lý, kho dầu Nhà Bè thời Pháp thuộc đến các “chiến sĩ - công nhân xăng dầu” thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, bảo vệ miền Bắc, chi viện miền Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nay đã phát triển thành đội ngũ lớn mạnh cả về quy mô lực lượng, trình độ kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp, tập hợp trên 26 ngàn đoàn viên công đoàn, CNVC-LĐ hoạt động trên mọi vùng miền của Tổ quốc.

Người Việt vốn nâng niu đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", vì vậy, đến hẹn lại lên, tháng 3 là để dịp để mỗi người con PLX tìm về "Địa chỉ đỏ" tại Hải Phòng, cảm nhận một không khí rất riêng tại Phòng Truyền thống; dâng hương Lãnh tụ Nguyễn Đức Cảnh tại Đền thờ ở xã An Đông - huyện An Dương - TP. Hải Phòng và tại Đài tưởng niệm ở TT. Diêm Điền - huyện Thái Thụy - tỉnh Thái Bình.

Petrolimex luôn tự hào là doanh nghiệp có truyền thống văn hóa đậm chất lính. Chiến tranh đã khép lại. Lịch sử đã sang trang. Chất lính ấy đã quyện hòa trong tác phong làm việc chuyên nghiệp, điềm đạm và chắc chắn. Càng tự hào về truyền thống, người PLX lại càng nỗ lực "tiến xa hơn".

Một trong những nhiệm vụ được Lãnh đạo Petrolimex chú trọng trong nhiều năm qua là giáo dục truyền thống cho các CNVC-LĐ. Trái với cách dạy giáo điều, hình thức, thế hệ trẻ tại PLX được tiếp nhận văn hóa truyền thống qua những chuyến về nguồn, những cuộc giao lưu thể thao, văn nghệ, qua cả những cuộc trò chuyện, tâm tình. Petrolimex Hải Phòng ngoài việc chú trọng gìn giữ Phòng Truyền thống còn ưu tiên xây dựng 3 sân tennis, 1 sân bóng mini, nhiều sân cầu lông... để các CNVC-LĐ rèn luyện sức khỏe, giao lưu thể thao và tăng cường kết nối với đồng nghiệp gần xa.

Phong trào Tết trồng cây cũng là một nét đẹp văn hóa tại PLX mỗi dịp xuân về. Khắp mọi nơi, từ Bắc Ninh, Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Giang ...đến Lâm Đồng, cây xanh đã được vun trồng xanh tốt. Mảnh đất nhỏ xinh tại Tổng kho Xăng dầu Thương Lý cũng vậy, màu xanh mướt mát. Nhiều cây được trồng từ xuân trước, nay đã bắt đầu kết trái. Phóng mắt nhìn kho bể rộng lớn hiện đại, sạch sẽ của Tổng kho, rồi lại nhìn những mầm xanh rung rinh trước gió, lòng người càng thêm vui.

Tháng ba gõ cửa. Trái tim mỗi người con PLX cảm thấy rộn ràng khó tả. Chỉ biết rằng, hôm nay, trong không khí vẫn rất xuân, bàn tay nắm chặt bàn tay để trái tim hòa nhịp. Mong rằng Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam sẽ luôn "tiến xa hơn", vững vàng hơn và xứng đáng là trụ cột của ngành xăng dầu Việt Nam.

Cơ quan chủ quản: Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Đơn vị thiết lập website: Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Ông Nguyễn Quang Dũng - Phó Tổng Giám đốc Địa chỉ: Số 1 Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội - ĐT: (024) 3851-2603 - Fax: (024) 3851-9203 – Email: banbientapweb [@] petrolimex [.] com [.] vn